1. Nín thở, hơi thở ngắn
Trong Yoga, hơi thở là nền tảng vô cùng quan trọng. Luyện tập hơi thở đều và sâu sẽ giúp cơ thể mềm mại dễ dàng thực hiện đúng các động tác. Thực tế, rèn luyện được thói quen hít thở sâu khi tập Yoga tương đối khó và thường bị bỏ quên hoặc xem nhẹ.
Đối với người mới tập Yoga, bạn sẽ chưa thể cảm nhận được ngay sự ảnh hưởng của việc hít sâu và thở chậm theo từng nhịp động tác. Quy luật vàng của hít thở trong Yoga là “hít vào phình bụng ra, thở ra hóp bụng vào”. Hít thở bằng cơ hoành và cơ bụng sẽ khiến toàn bộ cơ thể kết nối với nhau, đảm bảo lượng oxi được đưa vào đầy đủ.
Khi tập cùng một động tác, người hít thở đúng sẽ dễ dàng điều khiển cơ thể, làm mềm các thớ cơ, và hạn chế chấn thương. Nếu bạn chỉ hít thở bằng ngực theo thói quen sẽ dễ dẫn đến việc nhanh chóng thấy mệt, không thể giữ tư thế lâu do thiếu oxy. Sau khi tập, cơ thể vì gắng sức sẽ bị mỏi mệt và không thấy thư giãn. Đó là lí do vì sao những người mới tập yoga không cảm nhận được phép màu của bộ môn này tới cơ thể và tâm trí.
2. Tập khi đói, tập khi no
Giống như các bộ môn thể thao khác, Yoga cũng là rèn luyện thể lực, vì vậy bạn nên đảm bảo mình luôn có đủ năng lượng trước giờ tập. Nếu đói, cơ thể dễ mỏi mệt và gây ra tình trạng ngất xỉu, hạ huyết áp trong khi tập.
Còn nếu bạn tập Yoga trong tình trạng mới ăn no, cơ thể bận rộn chuyển hóa thức ăn và đây đáng lẽ là thời điểm các cơ nghỉ ngơi để hấp thụ chất dinh dưỡng. Tập Yoga khi no có thể gây các chấn thương vùng bụng và gặp khó khăn trong việc cúi gập, uốn dẻo cơ thể.
Thời điểm lý tưởng cho việc tập Yoga là 3 tiếng sau bữa chính và 2 tiếng sau bữa phụ.
3. Uống nước trong khi tập
Khác với tập gym hay các môn thể thao đồng đội, khuyến cáo của các giáo viên Yoga là bạn không nên uống nước trong thời gian tập, ngay trước giờ tập hoặc ngay sau khi tập. Tất cả thời điểm này dạ dày và các cơ quan đang trong trạng thái trao đổi chất mạnh và khó tiếp nạp nước hay bất cứ đồ ăn gì. Trong khi tập việc khát nước là điều dễ hiểu và tương đối phổ biến, vì vậy hãy đảm bảo cơ thể có đủ nước trước thời gian tập và uống nước trước ít nhất là nửa tiếng.
Trước khi bước lên thảm tập, cố gắng để cơ thể bài tiết hết mọi chất cặn bã bằng cách đi tiểu tiện, đại tiện đầy đủ. Các cơ quan bên trong sẽ được mát xa trong quá trình tập vì vậy đừng để các thực phẩm sót lại cản trở điều đó.
Bạn cũng không nên uống nước ngay sau khi tập mà đợi 10 phút rồi mới bắt đầu uống từng ngụm nhỏ, ngậm vài giây trong miêng.
4. Bỏ qua khởi động đầu giờ và thư giãn cuối giờ
Trường hợp này rất dễ gặp đối với các chị em dân công sở, những người tranh thủ giờ tập buổi trưa hoặc chiều muộn trước bữa tối. Khởi động và thư giãn trong tập Yoga cũng quan trọng không kém các động tác, tư thế khác.
Giai đoạn khởi động giúp làm nóng người, khiến cơ bắp trở nên dẻo dai để bạn thực hiện các động tác co duỗi, cúi gập, kéo giãn cơ thể dễ dàng hơn, tránh trường hợp căng cơ đột ngột.
Sau các động tác, thường chúng ta sẽ có 5 phút thư giãn ở tư thế xác chết, thả lỏng đưa cơ thể về trạng thái nguyên bản, vừa có tác dụng làm dịu mát cơ thể, vừa giải phóng các căng thẳng trong tâm trí. Ai cũng sẽ cảm thấy vô cùng dễ chịu ở những phút cuối giờ như thế.
5. Dễ dãi với bản thân
Tập Yoga sẽ không tránh khỏi những lúc các cơ căng cứng, đau siết và đây chính là những thử thách thú vị cho người tập. Không có thầy giáo, cô giáo nào chỉ tập vài tuần đã có thể trồng chuối, gập lưng hay uốn cánh cung. Một số học viên khi tập Yoga lại dễ nuông chiều bản thân, chưa cố gắng cảm nhận và lắng nghe cơ thể. Chính điều này sẽ trở thành trở ngại trong quá trình tập của họ.
6. Tập luyện thất thường
Giống như các môn thể thao khác, Yoga cũng cần một chế độ luyện tập đều đặn và lâu dài. Cơ thể chúng ta như sợi dây thun có độ co giãn và đàn hồi ở mỗi thớ cơ, vì vậy, luyện tập không thường xuyên sẽ khiến cơ thể nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu, hạn chế tính hiệu quả.
Những người có kinh nghiệm tập Yoga thường than thở nếu chỉ một tuần không đi tập họ đã cảm thấy cơ thể rất lạ lẫm, và khi trở lại thảm thì mất một khoảng thời gian để cơ thể khởi động và co giãn các cơ bắp.
Vì vậy, bạn nên sắp xếp để có lịch tập Yoga ít nhất 2-3 lần/tuần và tăng lên khi thấy cơ thể đã dẻo dai hơn.
7. So sánh bản thân với người khác
So sánh bản thân là chuyện rất dễ hiểu ở người mới tập khi tham gia lớp học cùng với những người lâu năm hoặc kinh nghiệm hơn. Mọi người thường có xu hướng nhìn sang bạn tập xem họ có thực hiện được động tác đó hay không, và băn khoăn tại sao mình chưa làm được. Tâm lý của chúng ta luôn sợ thua kém người khác. Các giáo viên Yoga cũng thường gặp tình huống học viên gắng sức với các động tác khó nhất khi họ đưa ra các mức độ dễ dàng hơn.
Điều này không được hoan nghênh chút nào. Bạn nên nhớ rằng, tất cả mọi người đều như bạn khi ở điểm xuất phát. Nếu chăm chỉ luyện tập đúng và lắng nghe cơ thể thì bạn sẽ sớm bước tới trình độ cao hơn với những động tác khó hơn. Bản chất của Yoga không hề mang tính cạnh tranh hay ganh đua.
8. Phân tâm, suy nghĩ nhiều
Nhiều bạn hỏi: “Làm sao có thể không suy nghĩ?” Trong đầu chúng ta luôn luôn ập đến những suy nghĩ như hôm nay ăn gì, sau đây sẽ làm gì, chồng mình sẽ về lúc mấy giờ, con mình ở lớp có ngoan không,… Bởi vậy, ở các lớp học Yoga, các thầy cô giáo luôn luôn nhắc nhở: “Tập trung vào hơi thở”. Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng loại bỏ các tạp niệm và lắng nghe cơ thể mình tốt hơn.
Đây cũng chính là điểm đặc biệt khiến Yoga khác các môn thể thao còn lại. Yoga không chỉ rèn luyện thể lực mà còn nâng cao sự tập trung, khám phá cơ thể mình.
9. Im lặng không cần thiết
Nhiều người mới tập Yoga sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ đối với nhiều tư thế hay các nhắc nhở, hướng dẫn của giáo viên. Đặc biệt với các bạn tập Yoga theo lớp học, mặc dù đây là môn thể thao cá nhân nhưng vẫn cần có giao tiếp và trao đổi lẫn nhau. Nếu cơ thể bạn có vấn đề gì đặc biệt hay thắc mắc ở từng tư thế thì bạn không nên giữ trong lòng. Luyện tập dựa trên khả năng thực tế và nhu cầu cá nhân của bạn là điều quan trọng.
Ví dụ như có một số động tác hạn chế cho người bị đau lưng hoặc lệch đĩa đệm, nếu bạn cố tiếp tục tập luyện sẽ vô tình gây ra các chấn thương, tổn hại nặng nề. Vì vậy đừng ngần ngại hỏi giáo viên hướng dẫn hoặc các đồng môn để có thông tin và điều chỉnh phù hợp.
10. Gắng sức, chạy đua theo động tác
Các tư thế trong Yoga đều có các cấp độ khác nhau dành cho từng đối tượng tập. Tư thế phù hợp không phải là tư thế bạn gắng thực hiện mà là tại thời điểm đó bản thân mình cảm thấy thích hợp. Các động tác cơ bản là nền tảng cho các biến thể đòi hỏi cao hơn. Khi bạn thực hiện chính xác và dễ dàng các tư thế cơ bản, cơ thể bạn sẽ thích ứng với các động tác khó một cách dễ dàng đến bất ngờ.
Ví dụ như các tư thế đòi hỏi cơ bụng, cơ tay, cơ lưng thật mạnh, chắc và khỏe như Headstand. Để lên tư thế này thuận lợi, bạn hãy luyện tập tập dần dần bắt đầu từ thế Cá heo, Con quạ để cơ thể làm quen và rèn luyện dần dần.